Bảo Vệ Đế Giày Của Bạn
Đế giày thường cấu tạo từ cao su, da, và nhựa PU, PVC, và EVA. Mỗi loại vật liệu này đều có những đặc tính khác nhau, nhưng tất cả chúng đều bị hao mòn theo thời gian sử dụng. Biểu đồ dưới đây cho chúng ta thấy tuổi thọ trung bình của mỗi loại đế. Rất tiếc là không phải tất cả thương hiệu giày đều tiết lộ danh sách các vật liệu làm giày và nhiều hãng cũng kết hợp các vật liệu lại với nhau và tạo thành một kết hợp độc quyền. Vì vậy bạn sẽ cần nghiên cứu một chút để tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi đế giày được làm từ gì.
Cân Nhắc Phương Pháp Bảo Vệ Đế Phù Hợp
Có một vài phương pháp chỉ phát huy hiệu quả với một số loại giày nhất định. Đế giày của bạn phải tiếp xúc với nhiều điều kiện khác nhau mỗi ngày. Nếu bạn đi giày trong địa hình gồ ghề, bạn sẽ cần một lớp bao phủ chắc chắn cho đế. Nếu hàng ngày bạn chỉ đi bộ trên những địa hình bằng phẳng và mượt, bạn có thể không cần tới một thứ dày dặn như trên.
Để kéo dài tuổi thọ cho đôi giày và giữ chúng luôn trong tình trạng tốt, bạn sẽ cần quyết định xem bạn muốn làm theo phương pháp nào để bảo vệ đế giày tốt nhất. Hãy nhớ rằng một vài phương pháp đòi hỏi bạn phải dùng sức một chút, trong khi một số phương pháp khác cần nhiều thời gian và kiên nhẫn.
1. Miếng Dán Chống Trượt
Miếng dán chống trượt mang lại hiệu quả tốt với giày da hoặc bất kỳ đôi giày nào có đế trơn. Chúng giúp ngăn đế bị mòn ở hai khu vực tiếp xúc thường xuyên với mặt đất nhất, đó là phần gót và ức bàn chân. Chúng thường được làm từ cao su hoặc nhựa silicon và có keo dính sẵn nên bạn có thể dán lên đế như dán một miếng sticker vậy. Bạn có thể dán lên nhiều loại giày, tuy nhiên bạn nên cắt bớt miếng dán để phù hợp với kích thước của giày.
2. Sửa Đế Hoặc Thay Đế Cao Su
Đế cao su là một sự lựa chọn tuyệt vời với giày da và giày cao su. Chúng giúp tạo thêm một lớp bảo vệ cho đế. Chúng thường được chế tạo từ cao su tự nhiên và rất phù hợp với những người cần một bộ đế có độ bám tốt khi đi bộ. Bạn sẽ cần đo đạc và điều chỉnh kích thước trước khi dán chúng vào đế. Nếu bạn sẵn sàng bỏ ra thời gian để làm việc này, bạn sẽ không thất vọng vì kết quả mà nó mang lại đâu.
3. Gắn Bọc Nút Cho Gót Giày
Các loại nút bọc gót này giúp bảo vệ cho giày cao gót của phụ nữ rất tốt. Đây là một sự lựa chọn sáng suốt cho những ai đang tìm cách sửa chữa gót giày của họ và tránh các tổn hại trong tương lai. Sản phẩm này cũng phù hợp với những đôi giày có đế bị mòn. Bạn không cần tốn nhiều công sức khi sử dụng nút gắn này, đơn giản bởi vì bạn chỉ cần gắn nó vào dưới gót giày là xong. Nhiều khách hàng thích sản phẩm này vì chúng trông khá chắc chắn và giúp đôi giày của họ trông mới hơn.
4. Miếng Dán Sole Trong Suốt Bảo Vệ Đế
Miếng dán đế trong suốt và có lớp keo dính sẵn. Chúng bảo vệ đế giày rất tốt và là sự lựa chọn hoàn hảo cho những đôi giày mới mà bạn muốn giữ gìn. Đây cũng là một cách tốt nếu bạn không thường xuyên sử dụng đôi giày đó và muốn giữ nó trong tình trạng tốt để mang diện vào một số lần đi chơi.
Bạn sẽ cần bỏ ra một chút công sức để dán những miếng dán đế này một cách chắc chắn. Bạn cần đảm bảo rằng đế giày đã được vệ sinh sạch sẽ và thận trọng khi dán lên đế. Miếng dán hoạt động hiệu quả nhất trên các bề mặt đế trơn, nhưng không phải bề mặt nào nó cũng dính tốt được. Hãy thử dùng băng keo dán thử lên đế của đôi giày bạn xem nó có dễ bị bóc ra không.
5. Bọc Cao Su Cho Đế
Chai xịt phun sơn cao su hoặc sơn cao su chống thấm có hiệu quả bảo vệ trên nhiều bề mặt. Mặc dù có thể chúng không hoạt động tốt nhất trên giày, nhưng một vài người đã thử và nói rằng chúng vẫn có hiệu quả mặc dù chúng không bám được lâu cho lắm.
Tùy vào độ dày của lớp phủ mà bạn nhận về các kết quả khác nhau. Lời khuyên là bạn nên xịt thử ở một góc trên giày trước và xem thử liệu nó có hoạt động không. Lớp phủ cao su có thể cần nhiều rãnh để bám chắc vào. Quá trình xịt hoặc sơn cao su có thể rất lộn xộn nên bạn cần dán băng dính những chỗ mà bạn muốn giữ sạch sẽ trên giày.
6. Tân Trang Giày Với Keo Dán Trong Suốt Shoe Goo
Keo Shoe Goo thực sự hoạt động hiệu quả để dán đế và che lại những chỗ bị sờn mòn. Công đoạn khó khăn nhất là xịt keo với độ dày vừa phải và xịt với lượng keo vừa đủ dùng. Mẹo là bạn nên xịt keo ra một cái tô, dán băng dính lên giày để ngăn keo chảy xuống những chỗ khác và dùng que để phết keo lên giày. Khi keo khô thì nhìn chúng khá giống cao su trong suốt và trông có vẻ dính với đế giày rất chắc chắn.
7. Vệ Sinh Đế
Lời khuyên cuối cùng là bạn nên vệ sinh đế thật kỹ mỗi khi giẫm phải thứ gì đó dầu mỡ, chất ăn mòn, muối, hoặc xăng. Tùy vào vật liệu của đế và thứ bạn giẫm phải mà giày có thể bắt đầu bị hao mòn hay xuống cấp. Bạn có thể vệ sinh đế giày với xà phòng và nước. Chỉ với một chút công sức, bạn có thể giúp đôi giày của mình trông mới tinh trở lại. Nếu bạn giẫm phải thứ gì đó mà bạn nghĩ mình cần làm sạch ngay, hãy thử vệ sinh giày với xà phòng và nước trước. Nếu không có hiệu quả bạn có thể thử baking soda và nước. Xả sạch giày lại dưới nước và để giày tự khô.
Không phải lúc nào đế giày cũng cần được vệ sinh sạch sẽ. Chúng có khả năng chịu đựng tốt khi bạn đi bộ trên hầu hết các bề mặt đường và vỉa hè. Mặc dù vậy, nếu đế giày phải tiếp xúc với một số yếu tố gây hại nhiều lần, chúng có thể bắt đầu gây ra một vài vấn đề, đặc biệt là với đế cao su. Vì vậy, hãy thường xuyên để ý với những gì mà giày bạn tiếp xúc để ngăn các rắc rối hình thành trong tương lai.
Quá trình sử dụng một số sản phẩm kể trên có thể khó khăn và tốn nhiều thời gian. Và không phải lúc nào chúng cũng có tác dụng, nhưng trong một vài trường hợp thì chúng cũng đáng để bạn dùng thử một phen. Nếu bạn không có thời gian hay kinh nghiệm để thử nghiệm những điều trên, bạn có thể đem ra cửa hàng chăm sóc giày chuyên nghiệp để được hỗ trợ.
Xem thêm:
Cách vệ sinh đế Icy trong suốt
5 mẹo để clean giày boots da lộn với các vật dụng trong nhà bếp của bạn